Đặc trưng[sửa]
Hình chụp gần phần đầu củaCoryphistes ruricola.
Châu chấu có các râu gần như luôn luôn ngắn hơn phần thân (đôi khi có nhiều sợi nhỏ), cũng như cơ quan đẻ trứng ngắn. Những loài nào phát ra các âm thanh dễ dàng nghe thấy thì thông thường thực hiện điều này bằng cách cọ xát các xương đùi sau vào các cánh trước hay bụng, hoặc bằng cách bật tanh tách các cánh khi bay. Các màng thính giác, nằm ở các bên của đoạn bụng thứ nhất. Các xương đùi sau thông thường dài và to khỏe, thích hợp để nhảy. Nói chung, châu chấu có cánh, nhưng các cánh sau giống như màng trong khi các cánh trước thì dai và không phù hợp để bay. Châu chấu cái thường to hơn châu chấu đực, với cơ quan đẻ trứng ngắn.
Châu chấu cũng dễ bị nhầm lẫn với các loài muỗm trong phân bộ còn lại của Orthoptera là Ensifera (bao gồm các loài dế và muỗm), nhưng chúng khác nhau ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như số các đốt trong râu của chúng và cấu trúc của cơ quan đẻ trứng, cũng như vị trí của màng thính giác và phương thức phát ra âm thanh. Các loài dế, muỗm có các râu có ít nhất 30 đốt, còn các loài châu chấu có ít hơn. Theo quan điểm tiến hóa thì Caelifera và Ensifera tách ra không sớm hơn ranh giới giữa kỷ Permi-kỷ Trias (Zeuner 1939), nghĩa là không sớm hơn 250 triệu năm trước).
Sự đa dạng và phân bổ[sửa]
Các ước tính gần đây (Kevan 1982; Günther, 1980, 1992; Otte 1994-1995; một số tài liệu khác sau này) chỉ ra rằng có khoảng 2.400 chi và khoảng 11.000 loài hợp lệ đã được miêu tả cho tới nay là thuộc về phân bộ này. Tuy nhiên, còn nhiều loài chưa được miêu tả có lẽ cũng tồn tại, đặc biệt là trong các rừng mưa nhiệt đới. Phân bộ Caelifera chủ yếu phân bổ ở khu vực nhiệt đới nhưng phần lớn các siêu họ thì phân bổ rộng khắp thế giới.