1. Xâm hại tình dục qua mạng là gì?
Số vụ trẻ em thời gian gần đây bị lạm dụng có xu hướng gia tăng. Việc bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ: không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần mà nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ. “Tính chất các vụ xâm hại tình dục trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức xã hội” – Bộ trưởng LĐTB&XH, bà Phạm Thị Hải Chuyền nhận định tại phiên giải trình của Chính phủ (tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội) về thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010, sáng 15-2. Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mặc dù công tác bảo vệ trẻ em trong những năm qua được chú trọng, song tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Chỉ tính trong các năm 2008-2010 xảy ra 3.179 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, trung bình hơn một ngàn vụ/năm. Đáng lưu ý, số vụ hiếp dâm chiếm trên 65% tổng số vụ xâm hại tình dục trẻ em. Phân tích của Chính phủ cho thấy, số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang bị xâm hại là 11,6% trong tổng số các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng xâm hại trẻ em nam, đối tượng là người nước ngoài, xâm hại thông qua internet.
Trên thế giới, xâm hại tình dục qua mạng đã là một hiện tượng khá phổ biến, đi kèm với sự xuất hiện của Internet. Ngày 8-3-2012, cảnh sát châu Âu đã bắt 10 nghi can ở Ý, Bồ Đào Nha, Mỹ, Pháp và điều tra 112 người ở các nước khác vì tội chụp ảnh, xem và phát tán phim ảnh xâm hại tình dục trẻ em qua mạng Internet. Theo CNN, những nghi can bị bắt và điều tra này nằm trong đường dây chuyên phát tán hình ảnh trẻ em bị xâm hại tình dục ở 28 quốc gia. Mạng lưới này đã phát tán hàng ngàn đoạn phim và hình ảnh trẻ em dưới 11 tuổi, thậm chí cả trẻ sơ sinh mới một tháng tuổi, bị xâm hại tình dục. Hãng tin ANSA của Ý cho biết cầm đầu đường dây tội phạm trên là một người đàn ông Ý 53 tuổi. Văn phòng công tố ở Florence (Ý) cho biết các nghi can bị cáo buộc cấu kết với các tổ chức tội phạm quốc tế chuyên sản xuất và phát tán các vật phẩm xâm hại tình dục trẻ em. Nguồn tin cảnh sát Ý cho biết 112 người đang bị điều tra chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm” trong một mạng lưới có đến 700 thành viên khắp thế giới. Chiến dịch truy quét tội phạm quốc tế này được mở đầu từ năm 2011 với sự phối hợp của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol). AFP cho biết tháng 12-2011, lực lượng cảnh sát ở 22 nước châu Âu đã bắt giữ 112 nghi can trong chiến dịch mang tên Icarus.[1]
Xâm hại tình dục qua mạng có những điểm khác biệt so với xâm hại tình dục thông thường. Trong trường hợp này, để thực hiện hành vi xâm hại tình dục, kẻ xâm hại tình dục qua mạng sử dụng mạng Internet làm công cụ để tiếp cận và xâm hại tình dục nạn nhân. Kẻ xâm hại tình dục qua mạng là kẻ sử dụng internet để làm quen với trẻ em, lợi dụng những đặc điểm dễ bị tổn thương của trẻ em để chiếm lòng tin rồi lôi kéo trẻ em tham gia vào một số hoạt động tình dục qua mạng hoặc ngoài mạng.
Từ khi Internet phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ, ngày càng có nhiều trường hợp người sử dụng Internet bị xâm hại tình dục qua mạng. Đơn cử như một số trường hợp đã được báo chí đưa tin trong thời gian vừa qua:
Sáng ngày 11/1/2009, anh K.T.M (sinh 1960, ngụ quận 6) đến Công an phường 10, quận 6, Tp HCM nộp đơn tố cáo tên Lê Minh Vương (sinh 1987, ngụ tỉnh Long An), là đối tượng sống lang thang đã có hành vi hiếp dâm con gái anh là cháu K.H.T (sinh 1997).
Được biết, tên Vương và cháu T quen nhau trên mạng từ tháng 12/2008. Sau nhiều lần chát chit hẹn hò nhau, tối ngày 9/1 tên Vương rủ cháu T. đi chơi và sau đó đưa cháu T. vào nhà trọ ở phường 10, quận 6 quan hệ tình dục. Qua làm việc, Vương đã thừa nhận hành vi của mình.[2]
Vào lúc 19h30 cùng ngày, chị Lê Thị Thúy (sinh 1980, ngụ phường 14, quận 11) đến Công an phường 14, quận 11, Tp HCM trình báo: Trước đó, cháu gái chị là em T.N.N (sinh ngày 19/01/1995, ngụ tỉnh Kiên Giang, tạm trú cùng nhà với chị Thúy) bị tên Lê Minh Cảnh (sinh 1984, ngụ tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Phú) dụ dỗ và giao cấu. Qua làm việc, tên Cảnh khai nhận vào tháng 12/2008, qua mạng internet có quen biết với N., sau đó có chở đi chơi và ăn uống nhiều lần. Đến ngày 5/1/2009, Cảnh và N. thuê phòng trọ và đã giao cấu với nhau 2 lần.[3]
Trưa ngày 6/1/2009, chị Lê Thị Mẫn (sinh 1963, ngụ quận 10) dẫn con là T.D.Q.D (sinh ngày 23/3/1996) đến Công an phường 15, quận 10, Tp HCM trình báo: con gái chị đã quen biết với tên Lý Minh Đức (sinh 1988, ngụ quận 6) từ tháng 7/2008 qua mạng. Từ đó tới nay tên Đức đã nhiều lần đưa cháu D. đến khách sạn Trúc Ngọc số A19 Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10 để quan hệ tình dục. Như vậy, khi bắt đầu bị lạm dụng, cháu D mới chỉ được 12 tuổi. Ngay sau đó công an quận 10 đã triệu tập tên Đức lên làm việc và hắn khai nhận đã có quan hệ tình dục với cháu D. nhiều lần.[4]
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục qua mạng tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có một loạt các hành vi xâm hại tình dục qua mạng khác như chat sex, dụ dỗ chat sex, cho xem các hình ảnh khiêu dâm, các trang web đen, cứu nét…Để phòng tránh được hành vi xâm hại tình dục qua mạng, rất cần thiết phải hiểu rõ được các thủ thuật của kẻ xâm hại tình dục qua mạng.
2. Các thủ thuật của Kẻ xâm hại tình dục qua mạng?
Dưới đây là một số thủ thuật của kẻ xâm hại tình dục qua mạng :
- Làm quen và hình thành tình bạn với trẻ em
- Tạo sự tin cậy bằng cách bày tỏ sự quan tâm, yêu mến: những kẻ xâm hại tình dục qua mạng có rất nhiều thủ đoạn để lấy được sự tin cậy của nạn nhân, thường tỏ ra rất tử tế, có học thức, chu đáo, từng trải, cảm thông với trẻ.
- Thu thập thông tin cá nhân riêng tư của trẻ em: để có thể dễ dàng tiếp cận, nắm bắt được tâm lí, điểm yếu của trẻ
- Hình thành mối quan hệ bạn thân duy nhất với trẻ em: nắm bắt được những điểm yếu của trẻ, với sự trải đời của mình, kẻ lừa đảo sẽ khiến trẻ trở nên tin tin tưởng, phụ thuộc vào mình, coi mình là người bạn tâm giao để chia sẻ những điều thầm kín nhất trong cuộc sống.
- Hướng cuộc nói chuyện trên mạng về chủ đề tình dục: sau khi đã trở nên thân thiết với trẻ, kẻ lừa đảo hướng chủ đề những cuộc nói chuyện với trẻ từ cuộc sống hằng ngày, học hành, gia đình sang những vấn đề liên quan đến tình dục, ví dụ như giới thiệu cho trẻ những trang web đen, những hình ảnh có tính chất khiêu dâm hoặc gợi nên sự tò mò ở trẻ về những vấn đề liên quan đến tình dục.
- Cho trẻ em xem những hình ảnh trẻ em bị xâm hại tình dục để các em coi điều đó là bình thường rồi dụ dỗ trẻ em tham gia vào một số hoạt động tình dục qua mạng ví dụ như chat sex
- Dụ dỗ trẻ em gặp mặt trực tiếp để xâm hại tình dục: đây là tình huống rất dễ bắt gặp trong thực tế và thường là mục đích cuối cùng của kẻ xâm hại tình dục qua mạng
3. Hướng dẫn phòng tránh xâm hại tình dục qua mạng
Dưới đây là một số hướng dẫn để phòng tránh bị xâm hại tình dục qua mạng. Đây cũng là những lưu ý trong quá trình sử dụng Internet an toàn nói chung:
- Không tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng: ví dụ như địa chỉ ở thực tế, số điện thoại…
- Không sử dụng tên tài khoản trực tuyến mang ý nghĩa “tán tỉnh”: không nên đặt những ID dạng như girl_sak_dieu; hot_girl_HN, wholoveme9x,…
- Không nói chuyện về tình dục với bất kỳ ai qua mạng
- Không đăng những hình ảnh gợi cảm, không phù hợp: đặc biệt với những thanh thiếu niên thế hệ 9x, không nên đăng những hình ảnh gợi cảm như ảnh chụp khi mặc quần áo tắm, trong nhà tắm…
- Nói chuyện với bố mẹ hoặc một người lớn tin cậy về những người hỏi về thông tin cá nhân của bạn và bạn cảm thấy không thoải mái.
- Không gặp gỡ bạn bè vừa quen trên mạng ngoài đời mà không được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người lớn chịu trách nhiệm về bạn: ví dụ như trào lưu off của một số diễn đàn game online
- Nếu bạn muốn gặp ai đó mà bạn mới quen trên mạng, hãy đi cùng bố mẹ hoặc một người lớn đáng tin cậy. Luôn gặp gỡ ở nơi công cộng, vào ban ngày, nên tránh các địa điểm nhạy cảm vào ban đêm như vũ trường, quán bia, rượu…
- Nếu gặp nguy hiểm hoặc có dấu hiệu trở thành đối tượng bị dụ dỗ, cần liên lạc với công an bằng cách gọi số 113, hoặc gọi đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em qua số 18001567 (miễn phí).
Bên cạnh đó, cũng cần có những cuộc thi tìm hiểu về cách thức sử dụng an toàn Internet để nâng cao nhận thức nói chung của cộng đồng. Ví dụ như Hội thi Phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em với chủ đề An toàn khi sử dụng mạng internet do Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ thuộc Hội Bảo Trợ Trẻ Em TP.HCM tổ chức tại Cung văn hóa Lao động. Hôi thi đã quy tụ hơn 290 em từ 14 mái ấm, nhà mở chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM. Trước khi Hội thi diễn ra một tháng, các em được trang bị các kiến thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại qua mạng internet, tác hại của trò chơi bạo lực, sex, chat sex, lừa đảo, khiêu dâm... các em cũng được trang bị cách thức an toàn khi
sử dụng internet. Hội thi diễn ra hai vòng: vòng hỏi đáp và thi thời trang đã mang lại bầu khí thật vui nhộn và sáng tạo, các em thi ứng xử các tình huống bị dụ dỗ, bị lôi kéo xem các trang web xấu, bị lừa gạt, cứu nét v.v...[5]
[5] http://www.hoptactre.com/index.php?option=com_content&view=article&id=192:hi-thi-phong-chng-xam-hi-tinh-dc--tr-em--qan-toan-khi-s-dng-mng-internetq&catid=1:tin-tc&Itemid=3
Bình luận
thaihanguyen
Hanoi, Viet Nam
Liên kết cố định
Tháng 12 11, 2012 - 3:20sa
Tôi cho rằng bài giảng này