1. Bắt nạt qua mạng là gì?
“Bắt nạt trên mạng là khi một người nào đó sử dụng công nghệ để chơi “bẩn”, quấy rối hoặc đe dọa người khác thông qua email, chat, trò chơi trực tuyến, tin nhắn, hình ảnh... Hành động này lặp đi lặp lại với cường độ 24/7 khiến nạn nhân không đủ sức chống đỡ”, bà Susan McLean, một nhân viên cảnh sát cho biết.[1]
Có thể hiểu, bắt nạt qua mạng là việc một người cố ý dùng internet, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác để quấy rối, đe dọa hoặc lừa đảo người khác.
Bắt nạt qua mạng là hành vi trái với nội quy của nhà trường và vi phạm pháp luật.
Nếu các hành vi bắt nạt qua mạng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho nạn nhân bị bắt nạt thì người bắt nạt có thể bị xử lí vi phạm hành chính, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ như hành vi làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi 2009), hành vi vu khống (Điều 122 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009), hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009), hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Điều 226 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009), hành vi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009)…
2. Các hình thức phổ biến của bắt nạt qua mạng?
Bắt nạt qua mạng được thể hiện dưới rất nhiều hình thức, ví dụ như:
- Ghi lại cảnh một người bị bắt nạt, bị hành hạ thân thể rồi đăng lên mạng.
- Gửi tin nhắn văn bản và hình ảnh gây tổn thương người khác.
- Gửi các tin nhắn dọa đánh/xâm hại thân thể ai đó.
- Ăn cắp mật khẩu rồi truy nhập vào tài khoản của người khác để gửi hoặc đăng tải các hình ảnh, video, thông tin làm cho chủ nhân thật của tài khoản bị bẽ mặt.
- Đăng các nhận xét ác ý trên internet hoặc sử dụng bất kỳ công cụ nào trên mạng để quấy rối người khác.
- Phát tán các lời đồn đại ác ý thông qua email, tin nhắn văn bản hoặc các trang mạng xã hội.
Chuyện dùng sức mạnh để bắt nạt, lấn áp tinh thần của một ai đó chắc hẳn không còn xa lạ gì. Tuy nhiên, nếu như cách đây vài ba năm, nhắc đến bắt nạt là chúng ta sẽ nhớ ngay đến các video clip đại loại như "nam sinh choảng nhau trên xe buýt" hay "nữ sinh đánh bạn ngoài công viên" thì giờ đây, cùng với sự bùng nổ mạng xã hội, hình thức bắt nạt đang dần chuyển từ "offline" sang "online" một cách rất rõ ràng.
Ngọc Mai - một cô bạn hiện đang học cấp 3 tại TP.HCM chia sẻ: "Vào một buổi sáng thứ 7 cách đây gần một tháng, mình đăng nhập vào tài khoản Facebook và vô tình phát hiện tất cả những người bạn trong lớp mới của mình đã cùng nhau nhấn nút "Tham gia" vào một group nhỏ mang tên "Hội những không đỡ nổi sự tự tin của Mai Ù". Ban đầu khi thấy nickname của mình xuất hiện tại đây, mình có phần khá bất ngờ và tò mò, thậm chí khi đó còn suy nghĩ tích cực rằng có lẽ đây chỉ là một trò đùa nho nhỏ của các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, đến khi click vào xem nội dung bên trong thì mình mới thật sự bị sốc. Trên đây, hàng loạt những tấm hình chụp lén mình trong đêm hoạt động chung của trường cách đó một tuần được up lên kèm theo vô số những câu bình luận khiếm nhã. Hàng chục người khác bên dưới cũng bắt đầu hùa theo bằng những bình luận cực kì nặng nề. Từ mái tóc hơi xù, cho tới hàm răng đang được niềng và thậm chí là cả vóc dáng có phần hơi đẫy đà của mình - tất cả đều được đem ra chê bai một cách không thương tiếc. Sau khi tìm hiểu thì mình được biết người "sáng lập" ra nhóm này chính là một trong những cô bạn cùng lớp, và đã có gần 30 người tham gia vào nhóm chỉ sau chưa đầy 24 giờ đồng hồ. Dẫu biết rằng bản thân không hoàn hảo, nhưng việc phải thấy những lời nhận xét ác ý như "Mai đùi sấm" hay "Lợn xề" thật sự khiến mình cảm thấy hụt hẫng và tuyệt vọng vô cùng. Thậm chí đôi lúc mình còn tự hỏi, liệu có phải bản thân mình cũng tồi tệ đúng như những gì họ nói hay không?"
Cô bạn tên Mai có lẽ không phải là nạn nhân duy nhất của hội chứng bắt nạt mạng (cyber-bully). Nếu thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội và lân la đủ mọi nơi thì chắc hẳn bạn sẽ không ít lần bắt gặp những hội nhóm được lập ra với mục đích “dìm hàng” cay nghiệt như vậy. Câu chuyện về cô bạn Ngọc Anh - hay còn được cộng đồng mạng biết đến với nickname "hotgirl Thắm Tây", hay cô bạn vô danh tại Hải Phòng bị gán ghép cho cái danh "Hotgirl Big C" chính là những nạn nhân điển hình. Một cuộc khảo sát nhỏ của Yahoo! Việt Nam đã cho thấy hiện nay, hơn 14% người trẻ Việt đã và đang là nạn nhân của hội chứng xấu xí này dưới các mức độ khác nhau.[2]
3. Ảnh hưởng của bắt nạt qua mạng với nạn nhân bị bắt nạt?
Bắt nạt qua mạng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nạn nhân bị bắt nạt. Bắt nạt qua mạng làm cho nạn nhân cảm thấy chán nản, tức giận, buồn bã, lo sợ phải đối mặt với kẻ bắt nạt mình, một số thanh thiếu niên thậm chí đã tự tử. Bắt nạt qua mạng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm lý và cuộc sống của trẻ. Không những vậy, bắt nạt qua mạng còn ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ, gây khó khăn cho nhà trường trong việc tạo ra một môi trường học tập an toàn.
Có ý kiến đã giải thích tình trạng này: Không gì làm bạn mất tự tin hơn là bị bẽ mặt. Thử tưởng tượng xem bạn sẽ bị tác động như thế nào nếu một tin nhắn có nội dung làm bạn phải xấu hổ lại được gửi đến tất cả những người bạn quen biết. Đáng tiếc là rất khó ngăn chặn hoặc loại bỏ những thông tin gây tổn thương được đăng trên Internet và hàng triệu người vẫn có thể gặp phải những thông tin như thế. Hầu hết các trường hợp bắt nạt qua mạng xảy ra khi không có người lớn ở bên cạnh, do vậy, thường cha mẹ và thầy cô giáo chỉ nhận thấy sự phiền muộn hoặc lo lắng của con em mình do hậu quả của việc bị xúc phạm hoặc quấy rối gây ra. Tổn thương về mặt tình cảm này có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. (Nguồn: Commonsense Media)
Vậy, tại sao vấn đề bắt nạt qua mạng lại nguy hiểm?
· Tác động nghiêm trọng: Những gì đăng trên mạng có thể bị tách rời khỏi ngữ cảnh và được chia sẻ rộng rãi khiến cho tác động của hành vi bắt nạt qua mạng đối với một cá nhân càng trở nên nghiêm trọng.
· Ý thức về hành vi nặc danh: Mọi người, kể cả trẻ em, đều có khuynh hướng trở nên ác ý hơn và lan truyền tin đồn nhanh hơn nếu nghĩ rằng họ đang ở trạng thái ẩn danh và không phải chịu hậu quả.
· Thiếu sự kết nối giữa hành động và hậu quả: Trạng thái ẩn danh mà phương tiện truyền thông kỹ thuật số đem lại góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề, vì hành động và hậu quả thường tách biệt nhau.
· Quyết định bốc đồng: Dành thời gian để suy nghĩ thận trọng và cân nhắc những gì nên nói là điều khó khăn đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
· Liên quan đến tin nhắn khiêu dâm: Vấn đề bắt nạt qua mạng càng trở nên phức tạp khi kết hợp với hành vi gửi tin nhắn có nội dung hoặc hình ảnh gợi dục.
· Tự tử ở thanh thiếu niên: Bị bắt nạt qua mạng có thể và thực tế đã dẫn đến hành động tự tử ở thanh thiếu niên.
4. Các biện pháp phòng chống bắt nạt qua mạng?
Có nhiều biện pháp để phòng chống việc bắt nạt qua mạng, cụ thể là người sử dụng Internet cần phải:
- Luôn tôn trọng người khác.
- Suy nghĩ trước khi gửi.
- Bảo vệ mật khẩu của bạn.
- Chặn tin nhắn của kẻ bắt nạt lại.
- Không trả thù hoặc đáp lại kẻ bắt nạt.
- Lưu lại bằng chứng
Đồng thời, hãy nói/thông báo cho:
- Bố mẹ hoặc một người lớn mà bạn tin cậy
- Nhà cung cấp dịch vụ
- Thầy cô giáo ở trường
- Gọi đường dây trợ giúp trẻ em số 18001567 (của Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em)
Nếu bạn chứng kiến trường hợp quấy rối qua mạng, hãy giúp đỡ nạn nhân bị bắt nạt và tố cáo kẻ bắt nạt.
Theo Yahoo, người dùng cần phải được giáo dục cách sử dụng Internet sao cho lành mạnh, an toàn. Đó không đơn giản chỉ là đặt mật khẩu đủ độ khó, không truy cập các trang web đen, không click vào các đường link lạ… mà còn phải an toàn ngay từ khi bạn chọn tên truy nhập. Chẳng hạn, một tên truy nhập (ID) flying0304 sẽ khó để tội phạm phán đoán hơn ID 0304flying_Nga. Tên truy nhập này cho người lạ biết tên của bạn và họ có thể sử dụng tên này để bắt chuyện, giả vờ như có quen biết bạn.
Lời khuyên của Yahoo là người dùng nên loại bỏ những thông tin cá nhân sau khi tạo tên truy nhập: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tên công ty, tên trường học, tên các thành viên trong gia đình.
[1] http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/v%E1%BA%A5n-n%E1%BA%A1n-b%E1%BA%AFt-n%E1%BA%A1t-tr%C3%AAn-m%E1%BA%A1ng
[2] http://www.tinmoi.vn/nem-da-hoi-dong-va-luan-ban-ve-su-doc-ac-tren-the-gioi-mang-101091367.html